Phong Cách Sống

Enter Slide 1 Title Here

Enter Slide 2 Title Here

Enter Slide 3 Title Here


Mật Mã Champa - Giản Tư Hải 


Mat ma champa
Mật mã champa

- Bạn có thể mua sách online tại  Tiki   


Review  #1: Đức Thịnh Trần

Ngủ quên trong kiếp đá Ap-sa-ra...
Bàn tay người nghệ sỹ hóa thân ngà.
Trăm năm làm một thuở...nỗi mơ nương náu ngàn đời...
Nung nấu ngàn đời...mãi không nguôi...

Đã bạn nào đã đọc cuốn sách này của tác giả Giản Tư Hải chưa ạ ? Nếu ai chưa đọc cuốn sách này thì mình xin giới thiệu đến tất cả mọi người 
Chắc hẳn mọi người cũng đã biết về Vương quốc cổ Champa trong lịch sử phải không ạ ?

Cuốn sách này khá độc đáo khi chuyển tải văn hóa Champa thông qua thể loại trinh thám. Tác giả có lối viết rất thư hút người đọc bởi những tình tiết hư cấu nhưng không làm xuyên tạc lịch sử, nhất là gợi được trong lòng người đọc sự tò mò và thích thú về nền văn hóa Champa cổ đại. 

Tóm tắt câu chuyện: khi Trùng tu Thánh địa Mỹ Sơn, một nhà khảo cổ học người Pháp đã phát hiện ra nhiều mật mã bằng chữ Phạn và chữ Chăm cổ khắc trên bia đá tiết lộ các lễ hiến tế người cùng nhiều vàng bạc, châu báu tại một thánh địa bí mật.Tiếc thay, trong quá trình khám phá, ông đã bị sát hại vì vì phạm những giáo luật hà khắc. 

Trước khi chết, ông đã kịp để lại mật mã.

Học trò và cũng là đồng nghiệp của ông, kiến trúc sư Kì Phương cùng con gái ông là Thi Nga đã lập tức lao vào cuộc. Họ lần theo manh mối ông để lại rồi rơi vào một vòng xoáy tội ác. Những tình huống nguy hiểm bất ngờ đã đẩy họ vào một cuộc rượt đuổi kịch tính từ Mỹ Sơn sang đến tận đất nước Campuchia. Kì Phương phát hiện ra âm mưu giết nhà khảo cổ người Pháp không chỉ để hiến tế thần linh mà còn nhằm mục đích ngăn chặn ông khai quật kho báu đang bị một hội kín chiếm giữ từ nhiều thế kỉ. Cuối cùng, Kì Phương cũng bị sập bẫy còn Thi Nga bị đưa lên đài tế đúng như nghi thức man rợ thời Trung cổ. Liệu Kì Phương và Thi Nga có an toàn trở về Mỹ Sơn và kho báu của Vương triều Champa có được đưa ra ánh sáng sau hàng trăm năm bị hội kín tà giáo che giấu ?

Mời cắc bạn hãy cùng nhau khám phá...




Sống Lâu Không Bằng Sống Sâu - Night-Fly


Song lau khong bang song sau
Review Sống lâu không bằng sống sâu


- Bạn có thể ma sách online tại  Tiki  và  Fahasa 


Review #1: Neih Nguyễn


Nói thực rằng tớ không nghĩ cuốn này sẽ thú vị như vậy đâu, nhưng quả thực là Sống Lâu Không Bằng Sống Sâu đã vượt kỳ vọng của tớ.

Cuốn sách này là góc nhìn của một cô gái trẻ về nhiều vấn đề hiện tại trong cuộc sống, như chuyện tin lầm người, chuyện thất nghiệp, chuyện mê tín, chuyện yêu đương, chuyện đi bão, vân vân và vân vân. Bằng cách viết thẳng thắn và tươi tỉnh, Night-fly (Nguyễn Minh Lan) đã cho ta thấy một cái nhìn của người trẻ về những câu truyện trên. Nếu mà để trích dẫn ra thì quả thực là rất nhiều đoạn thú vị, nhưng dài quá nên tớ xin miễn.

Tớ xin được chỉ bàn ở đây bốn chủ đề mà tớ coi là thú vị, và dĩ nhiên là còn nhiều mục hay ho ở trong cuốn này nữa nhưng tiết lộ hết thì không hay, mong cậu có thể thử đọc cuốn sách này xem sao.

1. Lời nói – vũ khí của tình yêu:

Chẳng lạ gì những lần cãi nhau òm tỏi, dọa ly hôn, ly thân, chia phần tài sản, phân chia quyền nuôi con, đòi cạch mặt nhau của những đôi vợ chồng mỗi khi họ gặp trục trặc trong chuyện hôn nhân. Mọi sự dường như không thể cứu vãn được khi những lời lẽ miệt thị lẫn nhau cứ tuôn bừa phứa vào mặt đối phương. Người đầu gối tay ấp ngày nào nay bỗng thành kẻ bạc tình, xấu xa, đồ abcxyz!!! (mời bạn tự tưởng tượng). Có lẽ trong giây phút nóng giận, người ta đã chẳng kìm được mình mà thốt ra những lời lẽ miệt thị người khác dù thực tâm họ không muốn. Nhưng đối phương có thể hiểu hoặc không hiểu cái tâm vô tư của người bạn đời, dù vậy thì sự tổn thương khi phải nghe những lời lẽ ấy là không thể tránh khỏi và không thể phủ nhận.

Bạn có dám thừa nhận rằng, bạn có thể kiềm chế cảm xúc hay những cơn nóng giận của mình ở ngoài xã hội hơn là khi ở cùng gia đình? Khi về nhà chúng ta thực sự cảm thấy thoải mái hơn, được là chính mình, nên vì lẽ ấy mà ta dễ dàng bộc phát cảm xúc khi gặp sự không vừa ý. Cả một ngày làm việc mệt mỏi, nhịn sếp, nhịn khách hàng, tan làm thì ngập mình trong khung cảnh tắc đường, lúc về tới nhà thì thấy phòng ốc bừa bãi, canh mặn, con cái không ngoan, vợ hoặc chồng vô ý. Gặp cảnh ấy, ta rất dễ phát cơn giận rồi trút sự giận giữ ấy vào người nhà của mình.

Hoặc thử đổi sang một mặt khác, ta thường dễ nói những lời hay ý đẹp hoặc những câu nói đơn giản mà tác dụng như “cảm ơn, xin lỗi” với những người xa lạ. Và ta lại trở nên keo kiệt khi sử dụng những lời lẽ tốt đẹp này với gia đình hay bạn bè thân thiết. “Món này ngon quá!”, “Cảm ơn vì đã tới đón em”, “Xin lỗi vì dạo này anh bận quá”, “Ôi em xin lỗi anh, em trót giận quá”, đã bao lâu rồi bạn không nói được một lời khen hay lời xin lỗi với người bạn đời của bạn, hay với bố mẹ, anh chị em?
“Thế nhưng tìm được người thật tâm với mình khó lắm, đã có duyên bên nhau tốt nhất nên cố nói lời làm nhau vui, dứt khoát đừng để những phút bốc đồng mà đẩy nhau ra xa.”

Đấy là quan điểm của Night fly, của tớ thì là hãy cố gắng một chút trong việc giữ bình tĩnh, đừng giận dỗi với người nhà và thử nói những lời khen nho nhỏ, những lời xin lỗi khi mình trót làm sai.

2. Đàn ông hay đàn bà, đàn nào “rẻ” hơn?

Cứ lâu lâu lại thấy người ta mở topic “Đi hẹn hò có nên share tiền?”, rồi mọi người cùng vào bàn luận với đủ quan điểm và thái độ. Có người cho rằng đàn ông nên là người trả tiền cho những cuộc hẹn, như vậy mới galant, mới nam tính. Có người cho rằng phụ nữ cũng nên chủ động chia sẻ “tình phí”, như vậy thì tình cảm mới dài lâu và qua hành động chia sẻ hóa đơn, phụ nữ cũng chứng minh được rằng mình không phải là kẻ đào mỏ mà biết suy nghĩ cho người yêu của họ. Đàn ông ngày nay cho rằng đàn bà thật rẻ rúng, chỉ cần đi xe sang, dùng điện thoại xịn, ví nhét đầy tiền lẫn thẻ tín dụng thì cô nào cũng sẽ theo. Đàn bà ngày nay thì đánh giá đàn ông qua số tiền họ kiếm được, có nhà có xe chưa, có chịu chi cho người yêu không chứ lại không cần những kẻ si tình ngồi ôm đàn hát tình ca hay tặng bông hồng kèm bức thư tình lãng mạn. Đây là thế giới mà người ta tặng nhau những bó hoa 999 đóa hồng chứ không phải là một bông hoa giản dị. Là thế giới mà người ta công nhận nhau qua vật chất chứ chẳng phải là tâm hồn nông sâu.

Mới đây tớ có đọc tác phẩm Trà hoa nữ của nhà văn Alexandre Dumas, nhân vật nam chính là Armand cùng tìm tới hai người kỹ nữ xinh đẹp là Marguerite và Olympe, nhưng chỉ một trong hai nàng dành cho chàng trái tim trong trắng thấm đầy tình yêu và sự tủi hổ - đó là nàng Trà hoa nữ Marguerite Gautier. Bởi lẽ khi đến với Marguerite, Armand đã không hề dấu diếm mà phơi bày tấm chân tình, nỗi ghen tuông của chàng dành cho nàng. Còn khi chàng quen Olympe, chàng chẳng cho nàng ta điều gì ngoài tiền bạc và sự vô cảm.

Bởi vậy mới nói, chân tình thì vẫn có, tâm hồn con người ta thì cũng còn ẩn vườn địa đàng, chỉ là bạn có chịu dùng chân tình và bản chất thật con người bạn để đối mặt với người ta hay không? Mọi thứ trên thế giới này đều có giá của nó, trao đổi đồng giá là điều hiển nhiên, chân tình đổi chân tình, yêu thương tìm thương yêu. Nếu bạn chỉ chịu chi tiền bạc hay vật chất thì thứ tình cảm bạn đổi được cũng chỉ là những thứ sáo rỗng, vô tình vậy thôi.

3. Thất nghiệp, người trẻ - đam mê và tiền.

Tuổi trẻ ngoài sự nhiệt huyết, cách suy nghĩ, hành động giàu năng lượng mới mẻ thì cũng đồng nghĩa với việc thiếu kinh nhiệm và thiếu kiên trì. Ta dễ dàng đổi công việc nếu gặp chuyện không ưa ở chỗ làm, nghĩ rằng mình rồi sẽ tìm được một công việc khác có chế độ đãi ngộ tốt hơn, sếp sẽ bớt đáng ghét hơn, tiềm năng phát triển cao hơn. Đến lúc nhảy việc nhiều thì mới thấy giường như công việc nào, chỗ làm nào cũng có những bất cập riêng, tưởng tượng xa vời, thực tế khắc nghiệt.

Đặc biệt là khi ta đã tốt nghiệp, bắt đầu gửi CV đi khắp nơi mong tìm được một công việc vừa ý. Có một lần khi đi phỏng vấn, nhà tuyển dụng đã hỏi tớ một câu: “Em có muốn dùng hết khả năng mà mình có để làm việc kiếm tiền không?”. Quả thực là tớ khá ấn tượng với câu hỏi này, bởi từ trước tới nay những công việc mà tớ từng làm đều chưa thực sự tận dụng hết khả năng mình có, phần lớn số việc ấy chỉ để phục vụ cho một mục tiêu thực tế: kiếm tiền. Dần dẫn thì sự hứng thú với công việc cứ vơi dần, hoặc do không sắp xếp được lịch làm việc xen với thời gian đi học mà quyết định nghỉ việc.
Vì còn trẻ, nên ngoài cảm giác muốn tìm một công việc an nhàn cho phù hợp với bản chất thì tớ cũng muốn được khám phá hơn nữa, thử sức mình trong lĩnh vực mình có hiểu biết và ưa thích. Nhưng nếu làm lĩnh vực ấy mà không thể kiếm được một số tiền tạm ổn thì quả thực là cũng cần phải suy nghĩ lại. Lớn rồi thì chuyện tiền nong đâu có đơn giản nữa nhỉ? Lo cho bản thân, lo cho gia đình rồi tiết kiệm cho tương lai và còn để hưởng thụ cuộc sống hiện tại.

Nhưng sao đi nữa thì khi trẻ, hay cứ làm việc bạn muốn làm, chơi khi bạn muốn chơi, đam mê những điều bạn ưa thích. Cố gắng phát triển bản thân, dù rằng hơi khó nhưng hãy tin vào chính mình, rồi thì bạn cũng sẽ kiếm được một công việc phù hợp với mình mà. Đừng lo lắng, nghi ngờ bản thân quá nhé.

4. Chút buồn nhẹ sau ngày bão qua:

Đằng sau niềm tự hào về chiến thắng của U23, về các chàng tai của đội tuyển quốc gia thì còn đó sự chán chường của người dân sau những lần “đi bão” mừng chiến thắng, mừng tinh thần dân tộc của các đối tượng mê bóng đá (hoặc không). Chẳng thiếu những chuyện thật như đùa khi tinh thần yêu nước bị dâng cao quá đà, người ta đổ ra đường mặc mưa gió, mặc kim đồng hồ chỉ mấy giờ, mặc anh cảnh sát giao thông, mặc những người đi công chuyện hay tranh thủ nghỉ ngơi để ngày mai tiếp tục làm việc. Họ không đội mũ bảo hiềm, đi xe kẹp ba kẹp tư, rồ ga phóng như điên dại, gây tai nạn rồi cứ thế bỏ đi, hò hét, thậm chí là tranh thủ trộm đồ, sau tất cả đường phố chỉ còn là một bãi tan hoang đầy rác của nhưng kẻ yêu nước. Phải chăng mình cần nhiều hơn là sự tự hào về đội tuyển quốc gia, là sự tự chủ, bởi vậy người ta mới nói vui thôi đừng vui quá...




Sống Sót Ở Berlin - Erik Larson 


Song sot o berlin
Sống sót ở berlin

- Bạn có thể mua sách online tại  TiKi 


Review #1: Quang Huy Nguyễn 

Tác phẩm Sống sót ở berlin thật ra rất khó đọc vì toàn bộ là ngôn ngữ ngoại giao khô cứng. Tuy nhiên, ẩn trong đó là những chi tiết thú vị riêng.

Đã có lần, vào buổi rạng đông của đúng thời khắc đen tối ấy, một ông bố và cô con gái người Mỹ bỗng thấy mình lên đường rời khỏi ngôi nhà nhỏ ấm áp của họ tại Chicago đến trung tâm Berlin của Hitler. Họ đã ở lại đây bốn năm rưỡi, nhưng cuốn sách này chỉ tập trung vào năm đầu tiên của họ, vì nó trùng thời điểm Hitler từ thủ tướng trở thành bạo chúa chuyên chế, khi mọi thứ rất mông lung chẳng có gì chắc chắn. Năm đầu tiên ấy hình thành một đoạn dạo đầu, trong đó bao gồm tất cả các chủ đề thiên sử thi của chiến tranh và tàn sát.

Sống Sót ở Berlin kể về William E. Dodd, đại sứ Mỹ đầu tiên ở nước Đức của Hitler. Đây là thời điểm ngay sau Thế chiến I, và thế giới đang ở buổi bình minh của.... Thế chiến II, cuộc chiến tranh khủng khiếp nhất nhân loại từng biết đến. Vào lúc này, sau khi thua trận, Đức đang phải hứng chịu những ngăn cấm từ Hiệp ước Versailles. Nên nhìn qua tưởng chừng như Đức là một xứ sở lặng lẽ, không còn nuôi mộng chiến tranh. Ít nhất đó là những gì diễn ra dưới mắt Dodd và cọn gái ông, Martha Dodd. Erik Larson đã xây dựng nên một trang sử hiếm có. Đó là nước Đức trước và sau khi Hitler nắm trọn quyền lực. Một nước Đức với vẻ ngoài yên bình, như chưa từng có chiến tranh, một đất nước quyến rũ, đẹp đẽ với những con người dễ chịu. Nước Đức từng chào đón William Dodd khi ông còn là sinh viên du học. Chính điều này đã đánh lừa cảm nhận của toàn thế giới nói chung, và gia đình Dodd nói riêng. Không ai tin, không ai hình dung cũng nước Đức ấy sau này sẽ gieo kinh hoàng khắp nhân loại. Tác giả chia ra hai nửa, nước Đức trong sáng và nước Đức đen tối với những cuộc tàn sát, khủng bố người Do Thái. Tất cả thay đổi theo nhận thức của Martha và Dodd. Hai cha con ông kinh ngạc trước diễn biến thay đổi quá nhanh. Nước Đức yên bình trong con mắt họ đã không còn khi Hitler để lộ bộ mặt thật. Một hình ảnh nước Đức rất lạ lùng. Điều thú vị là khi Dodd cảnh báo về nước Đức hiện tại, phía Mỹ đã không hề tin ông. Họ vẫn cho rằng nước Đức ấy chỉ là một kẻ bại trận, không thể nào gây thêm nguy hiểm nữa, không thể nào một lần nữa trỗi dậy. Những đoạn tranh luận, cãi vã giữa Dodd và các ngoại trưởng, phó ngoại trưởng rất thú vị.

Nếu thấy các chi tiết ngoại giao khô khan, chúng ta có thể được giải trí với chuyện tình của Martha với các chàng trai. Martha Dodd được xây dựng như một cô nàng bướng bỉnh, thông minh, táo bạo và quyết đoán. Tuy nhiên, về mặt tình yêu cô nàng lại khá buông tuồng. Suốt cả truyện có thể thấy thiên tình sử của Martha rất thú vị. Nàng yêu cả trùm Gestapo, nàng yêu cả mật vụ của NVKD (tiền thân KGB sau này). Và nàng yêu cả nước Đức, nàng yêu cả.... Hitler. OMG! Lồng trong những chuyện tình ấy, là những mảng sáng tối của nước Đức dưới thời Hitler. Cô là hình ảnh trái ngược đối với người cha hiền lành, nóng nảy, bảo thủ, hơi tồ. Đại sứ Dodd vốn chỉ là lựa chọn gần như bất đắc dĩ. Được chọn làm Đại sứ, Dodd không chỉ phải đối mặt với nước Đức đang ngày càng thay đổi chóng mặt, đối mặt với những trọng trách của một Đại sứ quá xa lạ với ông, mà ông còn phải đương đầu với những làn sóng phản đối từ ngay chính trong nước Mỹ. Trải nghiệm bốn năm rưỡi của Dodd tại nước Đức đang dần trở thành Đệ Tam Đế Chế sẽ là trải nghiệm khó quên không chỉ với ông, mà còn cả với độc giả chúng ta. Hơn nữa, trong truyện hầu hết các nhân vật đều có thật, nên chúng ta sẽ có cơ hội nghiên cứu và hiểu biết thêm về họ.

Về văn phong vì là non-fiction, theo thể văn tường thuật nên Sống Sót ở Berlin hẳn sẽ khó làm vừa lòng mọi độc giả, nhất là những ai mong tìm thấy những gì gay cấn, căng thẳng với nhịp độ nhanh. Nhất là Erik Larson viết theo lối văn ngoại giao, mình không biết các bạn có thấy khó đọc không. Tuy nhiên, nếu chúng ta mong muốn chứng kiến bước chuyển mình quan trọng của Đức trước khi bước vào Thế Chiến II, muốn biết trước thời điểm ấy, cả thế giới sẽ nhìn nhận Hitler ra sao, nghĩ về hắn và nước Đức như thế nào, muốn biết quá trình Hitler trở thành Quốc trưởng lèo lái Đức Quốc xã gieo rắc tai ương cho thế giới, thì Sống Sót ở Berlin là cuốn sách dành cho bạn.




Người Đua Diều - KHALED HOSSEINI


Nguoi dua dieu
Review Người đua diều

- Bạn có thể mua sách online tại  Tiki  và  Fahasa 


Review #1: Nhã Nguyễn 

Khaled Hosseini là tác giả Afghanistan đầu tiên trong tủ sách của tôi, cũng như Người đua diều là tác phẩm đầu tiên lấy bối cảnh Afghanistan mà tôi được thưởng thức. Đối với mọi người, kể cả tôi, có lẽ Afghanistan là một đất nước phủ một tấm màn bí ẩn, tấm màn của chiến tranh, của màu sắc tâm linh và của một nền văn hóa còn nhiều lạ lùng với thế giới. Và tác phẩm này thật sự đã làm tôi thật sự bất ngờ, bất ngờ với một đất nước xa lạ hiện lên một cách sống động, gần gũi, và câu chuyện của Hassan, của Amir cứ như thể diễn ra đâu đó xung quanh tôi vậy.


Hassan và Amir lớn lên cùng nhau. Amir là con trai người chủ, Hassan là con trai người làm công thân tín. Đối với Amir, Hassan như một người đầy tớ trung thành, người mà cậu có thể yêu cầu làm mọi thứ vì mình. Đối với Hassan, Amir là người bạn cậu chưa từng có. Quan hệ của Amir và Hassan, gần như sự nối dài mối quan hệ giữa hai người cha của hai cậu vậy. 

Từ bé Amir đã không được như kỳ vọng của cha cậu, cậu là một đứa thích đọc sách hơn là thích đánh nhau, và suốt thời niên thiếu, cậu luôn khao khát có được tình thương và sự coi trọng của cha mình một cách trọn vẹn. Không phải cha không yêu cậu, nhưng đối với cậu, ông không yêu con người mà cậu đã, và sẽ trở thành. Amir có những ích kỷ và nhỏ nhen của mình, cậu không phải con người hoàn hảo, như tôi và như bạn. Cậu quý Hassan, nhưng ngầm ganh tị với tình cảm của cha dành cho Hassan. Cậu chơi với Hassan, nhưng không muốn Hassan xuất hiện khi những người bạn cùng "đẳng cấp" của mình đến nhà, vì hố sâu ngăn cách quá lớn của tôn giáo và vị thế xã hội. Amir đôi lúc thật đáng ghét, nhưng cậu đáng thương nhiều hơn thế.

Trong mối quan hệ giữa hai người, đôi khi sẽ có một người cho đi nhiều hơn là người kia, và điều đó khiến người đó trở thành kẻ yếu thế hơn. Đấy chính là Hassan. Hassan chiều theo mọi yêu cầu dù của Amir dù là vô lý nhất. Hassan trung thành với Amir dù Amir đối xử với cậu tệ đến bao nhiêu. Hassan không bao giờ nói hay thậm chí là có ý nghĩ xấu về Amir dù bao nhiêu sự thật bày ra trước mắt. Amir thật đáng thương, nhưng đôi lúc cậu quá đáng ghét vì lương thiện đến nhường ấy.

Đấu diều là một truyền thống cổ xưa của dân Afghan, và mùa đấu diều năm ấy, Amir muốn chiến thắng, với một niềm tin lớn lao rằng chiến thắng ấy sẽ giúp cải thiện quan hệ giữa hai cha con cậu. Và chính trận đấu này là nguyên nhân dẫn đến lỗi lầm của Amir đối với Hassan, một lỗi lần đeo đẳng Amir đến tận ba mươi năm sau, lỗi lầm dằn vặt cậu và không bao giờ buông tha cho cậu. Chiến tranh nổ ra, Amir và cha sang Mỹ, chôn vùi lỗi lầm ấy, nhưng nó chưa bao giờ chết đi mà vẫn luôn âm ỉ. Ba mươi năm sau, Amir quay lại đây, đối diện với lỗi lầm ấy, và như chú Rahim Khan đã nói, “Luôn có một con đường để tốt lành trở lại”, cậu hy vọng có thể cứu rỗi linh hồn của mình.

Người đua diều là một tác phẩm đẹp đẽ quá chừng. Rất nhiều nhân vật trong tác phẩm này khiến tôi yêu thích, và thậm chí là ngưỡng một vì tôi chẳng thể nào có những phẩm chất như họ. Tôi thích Amir vì cậu không hoàn hảo. Tôi thích Hassan vì cậu quá lương thiện và cao thượng như một thiên thần. Tôi thích chú Rahim vì chú luôn là người thấu hiểu Amir, là người giúp cho cậu chuộc lại những lỗi lầm của mình. Tôi thích cái cách ông Ali giấu kín mọi bí mật vào trong và chịu đựng suốt ngần ấy năm. Thậm chí tôi thích cả người cha vì ông là một người đàn ông trượng nghĩa, dù ông cũng có những sai lầm của mình. Đây thực sự là một quyển sách đáng đọc và đáng được biết đến nhiều hơn nữa, một tác phẩm khiến ta cảm động trong từ chi tiết nhỏ, như cái cách Hassan nói với Amir rằng "Vì cậu, cả ngàn lần rồi!".


Review #2: Nguyễn Ngọc Nam

Nguoi dua dieu
Người đua diều

Người đua diều là tác phẩm văn học hiện đại về đề tài chiến tranh nổi tiếng của tác giả người Afghanistan - Khaled Hosseini. Dưới ngòi bút của ông, sự chân thực đến xót xa của thế hệ những người tị nạn, những người dân bất hạnh vùng Trung Đông được phơi bày một cách không thể rõ nét hơn.

Hassan và Amir là hai cậu bé lớn lên dưới một mái nhà. Hassan là người Hazara - một chủng tộc được cho là thấp hèn tại Afghanistan và là con của người ở nhà Amir. Nhờ tình yêu thương của Baba tức bố Amir nên bố con nhà Ali được ở lại với tư cách là người một nhà, Baba đối xử với họ như thể là người thân ruột thịt.

Về sau do một sự cố đáng tiếc xảy ra nên bố con nhà Ali buộc phải rời đi nơi khác và cũng từ đây thì câu truyện thực sự bắt đầu với mạch truyện được đẩy lên cao trào và hồi hộp. Sự ra đi của bố con Ali đánh dấu một sự chuyển mình của câu truyện và là tâm điểm cho các sự kiện diễn ra trong truyện sau này.


Tình anh em - Tình bạn bè.


Amir và Hassan từ thuở thiếu thời đã là đôi bạn có thể nói là tri kỷ của nhau. Chúng dính với nhau như hình với bóng. Hassan là một người dũng cảm và coi trọng bạn bè. Cậu là người luôn bảo vệ Amir khỏi những mối hiểm nguy xung quanh và dù cho có thân tàn ma dại cậu cũng chẳng quan tâm. Điều Hassan quan tâm duy nhất đó là sự an toàn của Amir, cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

Một trong những lý do để lý giải cho lòng quan tâm đặc biệt của Hassan dành cho Amir có lẽ là do hoàn cảnh sống. Hassan xuất thân từ một gia đình mang dòng máu bị người đời coi khinh. Việc được Baba nhận nuôi là cả một ân huệ lớn cả đời không chỉ dành cho cậu mà còn cho cả ông Ali bố cậu. Điều này mang một ý nghĩa vô cùng lớn về mặt tinh thần. Giống như kiểu chúng ta kéo một người ra khỏi hố sâu tuyệt vọng, ra tay cưu mang khi người ấy đang kẻ bờ vực của cái chết vậy.

Thế nhưng ngược lại Amir - một con người có điểm xuất phát từ một gia đình danh giá, khác hẳn với Hassan có lẽ lại không nghĩ vậy. Mặc dù bên ngoài cậu chơi với Hassan rất vui vẻ nhưng bên trong lại ẩn chứa một sự hèn nhát, yếu đuối và có lẽ là cả coi khinh vô cùng lớn. Đó là lý do vì sao cậu luôn đứng ngoài nhìn Hassan chịu trận một mình hay luôn chối bỏ tội lỗi và để người bạn của mình nhận thay một cách đầy hèn nhát. Nhưng suy cho cùng thì cũng chẳng trách được Amir nhiều vì khi ấy vẫn còn là một đứa trẻ, sự nhận thức còn hạn chế nên chưa nhận biết được ý nghĩa cuộc sống xung quanh. Phải đến khi trưởng thành cậu mới thấy hối hận.


Tình phụ tử thiêng liêng.


Bố con nhà Amir đã phiêu bạt tới nước Mỹ sau một hành trình dài, bỏ lại đằng sau tiếng súng nổ, tiếng đạn bom của quân đội Nga khi đến Afghanistan để hỗ trợ chiến đấu, bỏ lại đằng sau những ký ức về một thuở tươi đẹp, bỏ lại mảnh đất quê hương. Tới Mỹ, họ sẽ có cuộc sống mới tốt đẹp hơn chăng? Họ cũng không chắc nữa.

Nước Mỹ là một nơi xa hoa phù phiếm, nơi của mà nhiều người chọn để an cư lập nghiệp, để trốn chạy. Họ đa phần là những người nhập cư. Khi đến California, bố con Amir đã phải vật lộn với cuộc sống khắc nghiệt nơi đây để rồi sau khi đón nhận niềm vui ngắn ngủi chẳng bao lâu họ đã phải đón nhận một nỗi buồn vô hạn.

Có thể nói đây là một trong những đoạn gây xúc động và có sự miêu tả chân thực nhất trong truyện. Chi tiết bố Amir khi biết mình chẳng sống được bao lâu nữa nhưng vẫn gắng lo cho con mình được đầy đủ khiến cho tôi thật sự muốn khóc. Cảnh hai bố con chăm sóc lẫn nhau trong căn phòng ổ chuột, cảnh Baba quát Amir, cảnh hai người tâm sự với nhau, sự điên loạn của họ ở trong quán bar cho đến đoạn Baba với chút tàn lực cuối cùng đi hỏi cưới cho con trai và chỉ đến khi đám cưới xong xuôi ông mới yên lòng nhắm mắt... Tất cả đều khiến cho người đọc cảm thấy mình như hòa vào trong đó, đang thực sự tận hưởng những ngọt bùi đắng cay đó để rồi giấc mơ qua để lại sự trống rỗng vô ngần.


Sohrab - Một bước ngoặt lớn của cả câu truyện.


Câu truyện bắt đầu khi Amir nhận được tin của chú Rahim Khan yêu cầu về quê nhà gấp. Trên đường đi Amir ngạc nhiên sửng sốt vô cùng trước sự thay đổi đến kinh hoàng của quê hương. Cậu không còn nhận ra nơi mà cậu đã sinh ra, lớn lên với những ký ức tuổi thơ đẹp đẽ nữa. Kabul giờ đã thành chiến trường thực sự.

Ở Kabul, Amir đã gặp lại Sohrab. Lúc này tình tiết của truyện đã được đẩy lên cao độ khi cuộc giải cứu Sohrab được miêu tả một cách hoàn hảo. Từ chi tiết đánh nhau với tên đồ tể quyết dành lại Sohrab cho đến việc quá khứ của Sohrab được kể lại. Tất cả mang một hơi hướng mị và đầy bất ngờ. Có thể nói đây là đoạn có twist cao nhất khiến độc giả choáng váng đến ngây người.


Đôi dòng cảm xúc cá nhân.


Khi đọc xong tác phẩm này, tôi cành thấy thương những người dân xứ Afghanistan hơn. Họ là những con người tài giỏi, giàu cảm xúc nhưng số phận, định mệnh đã không cho họ có một kiếp sống hạnh phúc, không cho họ có cơ hội được làm người tốt. Hassan, biểu tượng cho những con người đã bất hạnh lại càng bất hạnh. Baba, biểu tượng cho những con người thánh thiện, đức độ. Amir, biểu tượng cho những con người quả cảm và giàu lòng trắc ẩn. Assef, biểu tượng cho bản chất xấu xa đến tột cùng của con người. Soya, biểu tượng quý hiếm của người phụ nữ cần được trân trọng.

Tôi cực thích cái cách mà tác giả sử dụng để kết thúc sau mỗi chương. Nó mang tính chất gợi mở, bí hiểm, đôi khi lại rất duyên và đặc biệt là nó không bị vô duyên hay gượng ép, điều mà đa số các tác giả thường hay vấp phải mỗi khi cố kết thúc thật hay một trường đoạn nào đó.

Việc tác giả lồng ghép những chi tiết, câu truyện của quá khứ vào trong lối kể thực tại cũng khiến tôi ấn tượng. Thực sự thì tôi là một người rất ghét những cảnh flash back bởi nó làm giãn mạch truyện nhưng ở Người đua diều thì hoàn toàn ngược lại. Những cảnh flash back ở đây giống như một chất xúc tác làm cảm xúc người đọc được kết dính lại chặt chẽ hơn. Nó giúp cho mỗi phân đoạn, chi tiết của câu truyện trở nên đắt giá hơn rất nhiều và có tác động rất mạnh tới cảm xúc của người đọc. Tôi nhấn mạnh hai chữ "Cảm xúc" bởi không còn từ gì có thể diễn tả hơn thế được nữa.

Và đòn đánh mạnh nhất vào tâm lý người đọc có lẽ chính là nhân vật Sohrab. Sự xuất hiện của em khiến những người lớn như chúng ta buộc phải nhận thức lại về trẻ em. Chúng có thực sự vô tư, hồn nhiên và "trẻ con" nhưng chúng ta vẫn thường hay nghĩ không? Có thật sự những cảm xúc của chúng không đáng để chúng ta phải bận tâm? Có lẽ chúng ta cũng nên bỏ dần câu nói: "Trẻ con thì biết gì" ngay từ bây giờ đi là vừa.

Những định kiến về cuộc sống trong truyện được tác giả xoa dịu và xóa bỏ khiến tôi thấy hả hê. Cảm giác như khi đọc tác phẩm của ông mình có thêm động lực sống vậy bởi những phần tối của cuộc sống nay đã chuyển sang màu sắc khác, một màu sắc của hy vọng.

Không phải tranh luận nhiều nữa, Người đua diều xứng đáng là một tác phẩm văn học kinh điển, Khaled Hosseini đã làm rạng danh nước nhà bằng chính thứ cảm xúc chân thực mà không bất kỳ ai có được, một thứ cảm xúc diệu kỳ.


Popular Posts


Booking.com

To Become a guest contributor

Recent Comments

Suggest a Unique idea