Phong Cách Sống

NHÀ DỘT TỪ NÓC! CÂU CHUYỆN HỌC SINH TÁT CÔ GIÁO TỪ 1 NĂM TRƯỚC

Sáng nay, mở mạng xã hội thấy mọi người chia sẻ câu chuyện nam học sinh xông lên bục giảng đòi điện thoại, chửi bậy giữa lớp và đỉnh điểm là dám tát cô giáo ngay trên bục trước sự can ngăn, ngỡ ngàng của nhiều bạn học sinh khác. Tất nhiên, cư dân mạng lên tiếng chỉ trích vì hành vi không tôn sư trọng đạo này của nam sinh này. Nhưng có mấy ai biết được Tâm tư của một nhà giáo như thế nào trong công tác giảng dạy của mình không? Mời các bạn theo dõi bài viết:

 

"CÓ LẼ NÀO TÔI TỰ BIẾN MÌNH THÀNH CÁI MÁY DẠY".

--------------

"Có nhiều lúc, chứng kiến những chuyện chướng tai gai mắt trong nghề, cô lại nghĩ có khi nào mình cứ lên lớp dạy theo đúng giáo án, dạy hết kiến thức, nói xong hết tiết thì về, thế là yên phận. Nghĩ thế nhưng không làm được, mình là nhà giáo, là cha là mẹ dạy dỗ học trò, có lẽ nào lại tự biến mình thành "cái máy dạy", đạo đức nghề giáo không cho phép mình làm điều đó!"

 

Có lần ngày 20 tháng 11 về thăm cô mình nghe cô tâm sự thế. Nếu như hơn 10 năm về trước khi mình còn đi học cấp 3, nhiều thầy cô giáo khi lên lớp vẫn sẽ cầm trên tay một cây thước gỗ dài chừng 50cm, vừa để kẻ bảng và cũng vừa để dạy trò, học sinh thời đó có thể cãi bố mẹ nhưng rất hiếm khi cãi thầy cô - kể cả với những đứa ngỗ nghịch nhất lớp, và nếu có đứa nào nghịch phá hay không làm bài tập mà bị cô phạt vụt thước vào tay nó cũng sẽ lặng im mà không dám về mách bố mẹ - bởi lẽ nó biết nếu mách bố mẹ thì có lẽ sẽ còn ăn một trận đòn nặng hơn. Bố mẹ thời ấy cũng rất tôn trọng thầy cô, kể cả tuổi lớn hơn cũng ít khi nào dám gọi tên cô mà đều một điều "thầy", hai điều "cô". Đó là một điều rất đáng quý. Khi mình kể câu chuyện này, có lẽ sẽ có nhiều bạn tặc lưỡi: "Biết rồi, khổ lắm, nói mãi".

 

Cùng với thời gian, khi cuộc sống ngày càng phát triển, khi "dân trí ngày một cao" - theo cách nói của nhiều người, khi mà "dân chủ, nhân quyền, dân túy" ngày càng được phổ biến và đặc biệt là nhờ có sự phát triển của internet và mạng xã hội, không biết từ bao giờ cây thước gỗ trên tay các thầy cô giáo đã dần biến mất, dưới bục giảng của mỗi thầy cô không chỉ là bốn mươi mấy con mắt của học sinh theo dõi mà còn là những mắt camera điện thoại, hàng triệu con mắt của cộng đồng mạng và bất cứ khi nào, với bất cứ "sơ xảy" nào của thầy cô, chỉ với một video tung lên mạng xã hội, chưa cần xác minh, chưa cần giải thích đúng sai, thầy cô sẽ bị hàng triệu con người bình phẩm, lên án, phản đối. Trước áp lực của dư luận, không ít thầy cô giáo đã chịu cúi đầu im lặng nhận án kỷ luật ngặt nghèo, với một giáo viên đi dạy, án kỷ luật giống như một vết xước rạch trên tấm áo mà họ sẽ gìn giữ suốt mấy chục năm đi dạy vậy.

 

Hãy nghe những dòng tin:

Long An: Cô giáo tiểu học ở huyện Đức Hòa bị phụ huynh cầm nón bảo hiểm xông vào lớp đánh bất tỉnh phải nhập viện cấp cứu.

Hải Phòng: Cô giáo bị một nhóm phụ huynh tới lớp gây xô xát, tát vào mặt. Nguyên nhân nhóm phụ huynh này làm vậy là do trước đó cô có hành vi "dùng thước kẻ đánh, phạt con em họ"; Phụ huynh dàn cảnh con đứng nắng tố giáo viên không cho con vào lớp vì đến sớm.

Quảng Nam: Nữ giáo viên bị phụ huynh tấn công nhập viện, có tỷ lệ thương tích 9% và sẽ được giám định lại thương tích sau ba tháng, còn phụ huynh đánh cô giáo chưa bị xem xét khởi tố.

Thái Nguyên: phụ huynh ‘trả đòn’ cô giáo mầm non phải nhập viện do nghi ngờ con họ bị đánh.

...

Và ngay hôm nay, chính chúng ta đang xem 1 clip để biết rằng giờ đây giáo viên không chỉ lo với việc bị phụ huynh tấn công mà bất cứ khi nào cũng có thể phải đối mặt với việc bị... học sinh đánh.

Clip được đăng lên mạng xã hội, nó ngắn thôi - chừng mấy chục giây, một nam sinh ngồi cuối lớp. Nó hô lớn khi bị cô giáo thu điện thoại: "dkm trả tao!" rồi xông lên bục giảng, lấy cái điện thoại trên bàn. Và ngỡ ngàng hơn khi nó tát cô giáo một cái. Cái tát thẳng vào mặt cô giáo đang đứng trên bục giảng, trước tiếng hô lớn ủ ôi của các bạn và sự ngỡ ngàng đến mức dường như cô chưa cảm nhận được cái đau về thể xác mà đau về tinh thần. Clip này là thật, không phải diễn. Cô giáo đứng lặng trong bất lực cũng là là thật. Cả sự hỗn hào, xấc láo của những học sinh bên dưới cũng là thật.

 

Đã một thời gian dài chúng ta nói về những thứ đao to búa lớn như "triết lý giáo dục của Việt Nam là gì?", "Giáo dục phải khai phóng con người", "giáo dục là con người chứ không phải trận đánh lớn", "phải lấy học sinh làm trung tâm, lấy học sinh làm mục đích giáo dục, tất cả vì học sinh thân yêu"...

Nhưng bạo lực học đường mà gần nhất là phụ huynh đánh thầy cô và giờ là trò tát cô là điều rất khó chấp nhận. Dù có lý tưởng, triết lý đến đâu thì rõ ràng, gần đây, sự thiếu tôn nghiêm trong giáo dục đang trở nên nghiêm trọng.

Mà môi trường học đường thiếu tôn nghiêm thì dù có xây chí hướng tột bậc đến đâu, có nhiều thành tích tô vẽ đến đâu thì tất cả những thứ đạt được đều là vớ vẩn!

Ngay bây giờ, giáo viên đang bị trói buộc và thắt chặt trong cái vòng kim cô "đạo đức nghề giáo" mà có lẽ rằng chính họ cũng không biết phải kêu với ai!

-----------------

+ Khoản 2 Điều 42 Thông tư số 12/2011/TT-BGDĐT quy định học sinh vi phạm khuyết điểm trong quá trình học tập, rèn luyện có thể được khuyên răn hoặc xử lý kỷ luật theo hình thức phê bình trước lớp, trước trường; khiển trách và thông báo với gia đình; cảnh cáo ghi học bạ; buộc thôi học có thời hạn.

Tuy nhiên, theo Thông tư số 32 (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/11/2020) thì không được xử lý kỷ luật học sinh vi phạm khuyết điểm trong quá trình học tập, rèn luyện bằng hình thức phê bình trước lớp, trước trường.

+ Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học ban hành kèm theo Thông tư 32/2020, có hiệu lực từ ngày 1-11 quy định học sinh không được sử dụng điện thoại di động, các thiết bị khác khi đang học tập trên lớp không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép.

Như vậy, thay vì cấm tuyệt đối như trước đây, điều lệ này quy định học sinh cấp II, cấp III được phép sử dụng điện thoại trong giờ để phục vụ cho việc học tập và phải được giáo viên cho phép.

 

Phản biện của Bạn tôi: Lão chăn bò DVK - MNQ.

CÂU CHUYỆN HỌC SINH CHỬI RỦA VÀ TÁT CÔ GIÁO NGAY LỚP HỌC - NHÀ DỘT TỪ NÓC!

------------------------------

Mới đây dư luận xôn xao về đoạn clip được phát tán trên mạng xã hội; theo đó, một nam sinh cấp 3 tức tối khi bị cô giáo thu điện thoại trong giờ học. Cậu này lớn tiếng yêu cầu cô trả đồ, đồng thời liên mồm văng tục, chửi rủa. Nhiều bạn can ngăn nhưng cậu học sinh ngày càng hung hăng. Đỉnh điểm, nam sinh lao lên bục giảng, giật chiếc điện thoại trên bàn và tát thẳng vào mặt cô giáo. Hiện chưa rõ trường hợp này diễn ra ở địa phương, trường học và thời gian nào; cũng không loại trừ khả năng đây là cảnh được dàn dựng. Tuy nhiên, nhìn vào những chính sách “cải cách” có tính “đột phá” trong ngành giáo dục mà đứng đầu là tổng tư lệnh Phùng Xuân Nhạ đã đề ra; người ta chẳng lấy làm ngạc nhiên nếu clip trên là đúng sự thật. Không ngoa ngôn nhưng rõ ràng là những quy định lạ đời của ông Nhạ đã mở đường cho sự băng hoại đạo đức; phá vỡ sự tôn nghiêm của người thầy. Thầy cô giáo không được phép phê bình học sinh trước lớp, nhà trường không được phép đuổi học học sinh…Vậy ai dám dạy dỗ bọn trẻ đến nơi đến chốn để rồi đối mặt với án kỷ luật lơ lững trên đầu? Học trò ngày nay cũng rất tinh, chúng biết rõ quy định đó nên không được nước làm càn, sáo không nhảy quá đăng mới là lạ!

 

Trong xã hội phong kiến ngày xưa người thầy được đặt ở vị trí thứ hai trong mối quan hệ “Quân - Sư - Phụ”. “Quân - Sư - Phụ” là quan niệm được Khổng Tử nêu ra từ 2.500 năm trước. Theo Khổng Tử, địa vị của người thầy được nâng lên trên cả địa vị của người cha trong gia đình - sau ông vua là đến ông thầy rồi sau hết mới đến người cha. Người cha cũng có bổn phận dạy dỗ con cái của mình, nhưng trong xã hội xưa, người dạy dỗ con mình nhiều nhất, sát nhất, cả mặt kiến thức và đạo đức chính là người thầy.

 

Trong thời đại ngày nay, khi đất nước không còn chế độ phong kiến, nghĩa là không còn Vua thì khái niệm đó cần được hiểu là: “Quân có thể hiểu là “Đất nước”, là “Tổ quốc”, là “Pháp luật”; ngày xưa “Quân” đồng nhất với “Quốc” nhưng bây giờ thì Tổ quốc mới là trên hết; pháp luật vẫn ở nấc thang trên cùng vì pháp luật mang tính biểu trưng một cách chính thức cho quốc gia, dân tộc. Cũng như một quan niệm khác của Khổng Tử giờ vẫn được ghi trang trọng ở các trường học: “Tiên học lễ, hậu học văn”. “Lễ” ở đây không phải là “Tam cương, ngũ thường” như trước mà là đạo đức, nếp sống mới, nền nếp văn hóa, pháp luật hiện thời, phương pháp ứng xử trong các mối quan hệ… Nghĩa là, dù xem xét ở góc độ nào, theo quan niệm nào, vai trò của người thầy vẫn xứng đáng và phải được đặt một vị trí trang trọng trong xã hội nói chung và trong giáo dục nói riêng; không vì chủ nghĩa dân túy để rồi thầy giáo, cô giáo phải chịu cảnh “vạn bề thọ địch”, nghĩa là trên thì Ban Giám hiệu đe nếu dạy dỗ “không ra hồn”, để cho học sinh yếu kém cả kiến thức và đạo đức; dưới thì hàng hàng lớp lớp những phụ huynh sẵn sàng ăn thua đủ với thầy cô giáo; nhà chức trách sẵn sàng tuyên bố kiểu “quan điểm của chúng tôi là đuổi việc”; cánh nhà báo kiểu lá ngón được dịp moi móc nếu chẳng may lỡ tay răn đe học sinh, khi chúng hỗn láo, làm sai.

 

Lão nông có xem qua câu chuyện của người xưa: có một nhà giáo ở Nam kỳ kiện cha một học sinh. Nguyên nhân học sinh này lười biếng, không chịu học lại nghịch ngợm, bị thầy rầy và bắt quỳ gối nên mắc cỡ với bạn, uất ức về méc lại với cha. Ông này là người có địa vị trong tỉnh nên đã nổi giận, dắt con lại nhà thầy giáo để mắng thầy và làm thầy mất mặt. Thầy giáo đâm đơn kiện và vị thẩm phán cấp tỉnh đã xử cho ông giáo thắng, lại “tặng” cho người cha hồ đồ, bênh con vô lối kia một bài luân lý về phép xử sự với thầy của con.

 

Trong xưa lại ngẫm đến nay, nghĩ mà buồn cho “thân phận của người thầy” trong thời buổi ngày nay! Trong những năm qua, nhiều vụ việc mà thầy cô giáo dạy học trò hư hỏng bằng cách yêu cầu quỳ, véo tai...Trong thời buổi hiện nay, khi mà giáo dục chịu ảnh hưởng rất lớn từ lối “ÂU HÓA”, đặc biệt là khi mạng xã hội Facebook xuất hiện thì thầy cô giáo cũng đứng trước áp lực rất ghê gớm từ nhiều phía. Chưa nơi đâu dưới gầm trời này lại có nhiều “quan tòa” như ở Việt Nam; chỉ cần nhìn qua sự việc chưa cần xem xét kỹ bản chất vấn đề nhưng những “quan tòa” đã vội vàng “phán xét, kết án, luận tội” giáo viên. Đã thế, Phòng Giáo dục và Đào tạo, Ban Giám hiệu nhà trường cũng tỏ ra khiếp sợ những “quan tòa facebook” và cánh lều báo nên chưa cần kiểm tra, làm rõ vấn đề đã vội đăng đàn tuyên bố kiểu “Quan điểm của chúng tôi là buộc thôi việc”, “vụ này phải xử lý thật nặng”, “thật không thể chấp nhận được”…

 

Không ai cổ súy cho bạo lực học đường hay xâm phạm thân thể học sinh nhưng nếu chỉ dừng lại ở mức chấp nhận được như bắt quỳ, đứng úp mặt vào tường, thậm chí là dùng thước đánh vào mông đối với những học sinh cá biệt, không chịu học tập thiết nghĩ chẳng có gì quá to tát. Thế rồi, nhà chức trách thay vì xem xét kỹ bản chất vụ việc để có biện pháp xử lý cho minh tường thì lại chạy theo vuốt đuôi quần chúng! Quả là rất “anh minh và sáng suốt”; bảo sao mà học trò lại vô luân, bại lý, đánh cả thầy cô giáo; bảo sao mà một số phụ huynh chẳng nhảy chồm lên ngồi xổm trên đầu, trên cổ giáo viên! Chưa bao giờ nghề làm thầy lại bạc như thế! buồn cho những kẻ “chạy theo đuôi quần chúng”! Buồn cho các đại quan nhân “thấy đúng không biết bảo vệ, thấy sai chẳng biết đấu tranh”!

 

Cổ nhân có câu “ngọc bất trác bất thành khí, dân bất học bất tri lý”, ngọc thô phải được mài dũa thì mới sáng, vàng càng luyện lại càng trong; còn nhỏ mà không lo uốn nắn, sai phạm lại được người lớn bao che, dung túng, cổ súy; vậy khi lớn lên nó sẽ thành loại người gì? Giờ cái gì cũng phạt người giáo viên được! Đánh, mắng để răn đe thì bảo bạo hành nó, phạt nó quỳ thì bảo làm nhục nó, không đếm xỉa tới thì bảo không quan tâm đến thế hệ tương lai; học sinh sai thì không được phê bình trước lớp thế thì lớn lên làm sao lũ trẻ biết “tự phê bình và phê bình”; sai đến mức nào cũng chẳng dám đuổi học, vậy học trò không đánh cô, thầy mới là lạ! Thử hỏi dạy nó bằng cách nào, bằng lời ngon tiếng ngọt, bằng sự tâng bốc để ra đời thành gánh nặng cho xã hội hay sao? Làm một giáo viên đã khó, làm một giáo viên tận tâm còn khó hơn ngàn lần! người xưa các thầy dạy học trò hư hỏng bằng đòn roi, thậm chí đánh toét cả đít, vậy mà khi lớn lên họ vụt lớn thành người có ích cho xã hội, thậm chí trở thành những con người thuộc lớp “xưa nay hiếm” cả về trí tuệ và đạo đức. Những vụ việc trên thì sao? Chẳng trách đạo đức đối với một bộ phận không nhỏ của lớp thanh, thiếu niên ngày nay xuống cấp đến thế! Nhỏ không dạy đến khi lớn lên hư hỏng, sa vào tệ nạn, thậm chí là đâm cha, giết chú thì lúc đó ngửa mặt lên trời mà khóc than liệu có ích chi đây!

 

Người xưa dạy người rất chú trọng đến cái tâm, cái nết của con trẻ, lấy tâm làm nền tảng để giáo dục, uốn nắn con người; đặc biệt là lúc còn có thể uốn nắn cũng như cây non thì có thể uốn, tạo hình tùy ý nhưng khi đã già thì không thể. Hình thức bên ngoài cũng rất quan trọng nhưng nội tâm mới là yếu tố quyết định. Giáo dục một con người trở nên hoàn thiện phải từ nơi chính tâm, biết điều hay, lẽ phải có thế khi lớn lên mới mong tu thân, tề gia, trị quốc và bình thiên hạ. Cây có ngay thì bóng mới thẳng, phải đào tạo thế hệ kế thừa có tâm hồn trong sáng và cao thượng mới có thể mong hình thành nên nhân cách lớn, làm nguyên khí của quốc gia, nhân tài cho đất nước. Muốn dạy trẻ thẳng ngay thì đôi khi phải có biện pháp răn đe chúng, phạt trẻ quỳ, úp mặt vào tường thậm chí là đánh đít chẳng có gì là sai trái cả; có chăng, cái sai lớn nhất là cổ súy cho cái sai mà thôi. Trẻ con phải được giáo dục, phải được sự chung tay từ gia đình, nhà trường và xã hội; khuyến khích những việc làm tốt, trách phạt những việc làm sai; để rồi khi lớn lên nó biết đâu là đục, là trong; đâu là vinh là nhục; chứ không phải là bảo vệ tất cả những gì chúng làm; làm như thế là giết chết cả một thế hệ! đáng buồn thay! Sản phẩm của ông Phùng Xuân Nhạ cả đấy! Đừng có đổ lỗi cho bất kỳ ai, có trách thì hãy trách “nhà dột từ nóc”./.

---------------------

Lão chăn bò DVK - MNQ


0 Comments:

Đăng nhận xét

Popular Posts


Booking.com

To Become a guest contributor

Recent Comments

Suggest a Unique idea