Phong Cách Sống


Cái Trống Thiếc - Gunter Grass


gunter grass
cái trống thiếc - Gunter Grass

Review #1: Tùng Hoàng

Xuất bản lần đầu năm 1959, Cái trống thiếc của Gunter Grass đã gây chấn động lớn không những ở Đức mà cả trên văn đàn châu Âu và thế giới. Giải Nobel văn học năm 1999 cũng là sự khẳng định và tôn vinh một tác phẩm văn học xuất sắc vào thời điểm chuyển giao giữa hai thế kỷ, để vĩnh biệt một thế kỷ đã qua quá nhiều nước mắt, quá nhiều đau thương của loài người.

Một tác phẩm nhiều day dứt, nhiều ám ảnh, những lời văn như giỡn cợt, buông thả, nhưng người đọc không thể dứt ra, đọc một lần sẽ phải đọc lần hai, lần ba nữa, để ngấm và cảm nhận những điệp tầng ý nghĩa nhân văn của tác phẩm.

Để nói về Cái trống thiếc, có rất nhiều điều còn đọng lại trong tôi, cảm như tôi đã cùng Gunter Grass phiêu dạt trong miền ký ức của ông về những ngày không xa, tìm về tiềm thức của những con người đã từng bị chối bỏ, bơ vơ tìm lẽ sống. Chợt như trong buổi sáng đó, tôi đang cùng ông đứng trên Khán đài lắng nghe tiếng trống kỳ ảo cất lên làm con người và trật tự cuộc sống xung quanh trở nên loạn nhịp. Rồi ông dẫn tôi vào những ngóc ngách sâu trong Hầm Hành, cùng ông nuốt nước mắt vào tim chứng kiến một thế hệ đã không biết làm thế nào để nhỏ được một giọt nước mắt. Những cảm xúc bàng hoàng pha lẫn thú vị khi thấy tiếng thét ma quỷ và tiếng trống ngỗ ngược của chú bé Oskar làm điên đảo cuộc sống và ý thức những người xung quanh, biến những người lớn trở thành những chú bé, cô gái tung tăng nhảy múa, ngây thơ, hồn nhiên quên hết những nỗi đau cuộc đời. Và không thể nào quên cảnh tượng kỳ vĩ ấy khi tôi cùng ông nhìn ngắm cảnh lửa cháy đang họa lên thành phố Danzig qua những vần thơ, những vần thơ ký họa những ký ức tưởng như đã lãng quên dệt nên từ lửa, ngọn lửa nuốt cháy thành phố, ngọn lửa thiêu đốt tâm can, ngọn lửa của tâm hồn, của tâm thức về những bản thể vĩnh hẳng trong mỗi người…

Khi gấp lại những trang cuối của cuốn sách, đọng lại trong tôi là hình tượng nhân vật Oskar Matzerath, cậu bé ngỗ ngược không chịu lớn, chối bỏ thực tại, quên đi quá khứ, thù ghét tương lai. Một hình tượng sâu sắc, tường như đại diện cho cả thế hệ người Đức đã lớn lên sau chiến tranh, đã thấy và chịu gánh nặng tâm lý sau thất bại của thế hệ đi trước, gánh trên vai nỗi ám ảnh về dân tộc mình sau thảm họa diệt chủng xấu xa nhất của thế giới loài người. Theo Biên bản chiến tranh của Đức Hoàng có một đoạn văn mà tôi vẫn nhớ về nỗi đau để lại sau chiến tranh: “Chiến tranh không phải là một trạng thái xã hội, một hoạt động giới hạn thời gian và không gian. Nó là nỗi đau cá nhân của con người, là đứa con mới nằm xuống như hôm qua và người mẹ nằm trong vũng máu, là nỗi đau tận cùng và không cách nào kết thúc”.

Và tôi dần hiểu vì sao mà cậu bé Oskar nhận thức được rằng không thể mãi trốn tránh thực tại, không thể mưu cầu một cuộc sống con người đúng nghĩa nếu không biết tự lớn lên, dù sự lớn lên đó cũng đồng hành với sự tẩy uế đau đớn của cả thể xác và tâm hồn. Để tránh không phải đối mặt với áp lực của cuộc sống, cậu bé Oskar đã trốn hơn mười bảy năm sau khoảng một trăm cái trống đồ chơi trẻ con sơn đỏ-trắng. Nhưng cái chết của Matzerath, người bố dượng mà Oskar lúc nào cũng tin là như vậy, cậu bé-người lớn đó bắt đầu tháo trống ra khỏi cổ, không còn đắn đo, cân nhắc “Tôi có nên hay không” nữa mà “Cần phải thế”, “Tôi nên, tôi phải, tôi muốn” ném cái trống, lẫn cả cái dùi vào trong huyệt mộ và quyết định lớn. Đó là thái độ chấp nhận, đối mặt nỗi đau, nỗi ám ảnh, nỗi thương cảm của chính mình, của một kiếp người đã không dám đương đầu, trốn tránh, chối bỏ bản thân, chối bỏ cuộc sống, giờ đây nỗi đau đó được chôn vùi, nén chặt, để quên đi mà sống.

Gunter Grass đã thay mặt cho dân tộc Đức nói lời xin lỗi với thế giới, với nhân loại trong lễ đưa tang của ông Matzerath và những chiếc trống của mình, lời ai điếu được cất lên qua từng dòng chữ: “…khi một xẻng đất trút lên mặt trống, nó vẫn kêu. Đến xẻng thứ hai, nó vẫn thì thùng. Đến xẻng thứ ba thì im bặt, chỉ phô ra chút sơn trắng chẳng mấy chốc cũng bị lấp nốt. Đất cát chất chồng lên cái trống của tôi, cao dần, lớn dần – và tôi cũng bắt đầu lớn…tuy chậm đến nỗi chỉ có Leo Schugger nhận thấy, thế là anh ta bay lên như chim và la lớn tuyên bố cho toàn thế giới biết”. Đã đến lúc phải ngẩng mặt lên để tiếp tục cuộc sống, không thể níu kéo sự thương xót hay sống mãi với những mặc cảm, đến lúc này, cậu bé Oskar, đại diện cho tiếng nói của thế hệ người dân Đức năm xưa, nhận thức rằng không thể chối bỏ quá khứ được nữa, và phải chấp nhận để sống tiếp, dù cho nỗi đau lập tức ập đến dù cho nỗi đau đó vẫn luôn đè nặng lên họ, nỗi đau đó dai dẳng, vật vã bám theo họ trên suốt đường đời như cái lưng gù cúi gập.

Cái trống thiếc, một tác phẩm pha trộn nhiều yếu tố tưởng tượng, gia đình, triết lý và ngụ ngôn chính trị. Cuốn sách đã từng gây ra sự phẫn nộ từ các thành viên hội đồng lập pháp Bremen khi từ chối trao giải văn chương cho nó, cuốn sách còn bị đốt cháy ở Düsseldorf. Nhưng như Viện Hàn lâm Thụy Điển đã ca ngợi ông "Cái trống thiếc, với những câu chuyện ngụ ngôn mang màu sắc đen tối, hài hước đã vẽ lại gương mặt bị lãng quên của lịch sử”. Cảm ơn ông, Gunter Grass, ông đã giúp tôi lại được đến với nước Đức, với những góc khuất của nó, nhưng cũng cho tôi thấy nỗ lực sống bền bỉ, góc cạnh của người dân Đức như tinh thần “cỗ xe tăng không bao giờ gục ngã”. Và với tôi, nước Đức, cho đến ngày nay, vẫn là một sự tò mò xen lẫn ước mơ được khám phá về một dân tộc ẩn chứa rất nhiều mâu thuẫn trong nội tại, nơi sự văn minh được phát triển thăng hoa nhất, nhưng cũng tại chính nơi đó, cuộc sống đã trở thành địa ngục và con người nhiều thế hệ tiếp nối chịu sự tù đày từ trong chính tâm tưởng của mình.

“Có hai loại đau khổ. Loại đau khổ bạn chạy trốn, và theo bạn tới mọi nơi. Và loại đau khổ bạn đối đầu trực diện, và được giải thoát.” - Thiền sư Ajahn Chah


0 Comments:

Đăng nhận xét

Popular Posts


Booking.com

To Become a guest contributor

Recent Comments

Suggest a Unique idea