Thám Tử Kỳ Phát - Phạm Cao Củng
Thám tử kỳ phát - Phạm Cao Củng
Review #1: Khanh Dang
Một chút nuối tiếc, một chút bâng khuâng khi gấp lại tập cuối cùng của serries Phạm Cao Củng sau gần hai tuần miệt mài gắn bó. Những cuốn truyện với độ hấp dẫn, cuốn hút cứ tăng dần tăng dần, hay đơn giản chỉ là đến lúc trở nên gần gũi, thân thuộc với tính cách, nụ cười và óc suy luận sắc bén của Kỳ Phát. Mỗi cuốn truyện có một cách tiếp cận và xử lý nhưng đều làm nổi bật lên cá tính rất riêng, thuần chất Việt của Kỳ Phát, dù rằng cụ Phạm Cao Củng lấy nhân vật phương Tây làm hình tượng để xây dựng. Cách xử lý của Kỳ Phát luôn có lý và hợp tình, đúng phong cách của một nhà thám tử luôn vì thân chủ của mình. Cũng có đôi lúc, anh lao vào điều tra bất chấp tiền bạc, thời gian thậm chí cả sự an nguy của bản thân chỉ để thỏa mãn khát khao được khám phá những điều bí ẩn chất chứa. Điều đó đã tạo nên một Kỳ Phát thật đẹp, thật ấn tượng.
Cảm ơn Phúc Minh đã thổi một làn gió tươi mát để hồi sinh Kỳ Phát, để tôi có được những cảm giác thân thương đến thế khi đọc truyện trinh thám. Về biên tập: vẫn còn một vài lỗi morat nhưng ở mức chấp nhận được. Và tôi vẫn tiếp tục đặt niềm tin rằng Phúc Minh có thể làm tốt hơn nữa ở các cuốn sách tiếp theo,
CÓ NÊN MUA BỘ SÁCH KHÔNG?
Nếu như bạn mong chờ một bộ trinh thám cực kỳ xuất sắc, hồi hộp, gay cấn như một số truyện trinh thám đình đám phát hành thời gian gần đây thì có thể, bộ sách sẽ không đạt được kỳ vọng của bạn.
Nhưng chỉ cần bạn yêu thích dòng truyện trinh thám với lỗi suy luận logic, thích những cốt truyện ly kì hoặc bạn thích tìm hiểu về văn hóa, ngôn ngữ của Việt Nam những năm trước năm 1945 thông qua truyện trinh thám.hoặc là bạn đã dành tình yêu của mình cho Văn học Việt Nam thì bộ sách Thám Tử Kỳ Phát xứng đáng được bạn dành cho một vị trí trang trọng trong tủ sách.
Thứ tự đọc sách tham khảo: Vết tay trên trần, Chiếc tất nhuộm bùn, Kỳ Phát giết người, Nhà sư thọt, Đám cưới Kỳ Phát (2 tập phía sau đọc trước hay sau đều được)
Cuốn Vết tay trên trần là cuốn tôi cảm giác non tay hơn một chút, đọc đầu tiên là hợp lý. Các cuốn sau mỗi cuốn 1 vẻ và tôi đánh giá ngang nhau.
Trích dẫn yêu thích nhất: "Tiếng gõ mõ đều đều, mở đường cho một người từ nay, nguyện một đời sống để cầu xin Phật tổ tha thứ cho đám chúng sinh đầy lòng tham vọng." - Nhà sư thọt
Review #2: Binh Boog
Có lẽ không cần phải nói nhiều về nội dung cũng như hình tượng, phương pháp phá án của nhân vật Kỳ Phát bởi nó đã được Phúc Minh giới thiệu rất kỹ cũng như các bạn review đã nói tới.
Mình chỉ muốn nói tới một khía cạnh khác ở con người Kỳ Phát đó là sự si tình. Kỳ Phát chung thuỷ và dành rất nhiều tình cảm cho cô Cúc. Mặc dù luôn dùng lý trí để nhìn nhận vấn đề khi phá án nhưng khi vướng vào vụ án của cô Cúc thì vị thám tử của chúng ta có đôi lúc cũng tỏ ra nóng vội. Mặc dù mối tình với cô Cúc không thành nhưng Kỳ Phát vẫn dành trọn tình cảm cho cô Cúc, đã đảm nhận nuôi dạy giúp đỡ con của cô Cúc một cách hết sức chân thành tận tâm.
Một khía cạnh khác của Kỳ Phát là tuổi thơ không trọn vẹn. Mẹ bỏ đi, cha bị bệnh ốm yếu ít quan tâm tới con, Kỳ Phát sống với dì, nhưng người dì này không phải là người dì tốt, để rồi Kỳ Phát sớm đã phải chứng kiến những việc không hay, bị vu oan thành thằng ăn cắp, bị mang tiếng xấu đến hai lần, cả khi đi học cũng không được yên ổn. Nhưng chính cái tuổi thơ bất hạnh đó đã làm tài năng trinh thám của Kỳ Phát sớm được bộc lộ.
Chính những điều đó đã làm nên một nhân vật Kỳ Phát rất đặc biệt.
Đối với mình tập Nhà Sư Thọt để lại dấu ấn hơn cả. Dấu ấn của nó không phải ở vụ án mà ở nhân vật Nhà sư thọt. Nhân vật này một lần nữa cũng là một kẻ tình si. Chấp nhận hy sinh cả mạng sống của mình để cho người mình yêu thương có được một cuộc sống hạnh phúc trọn vẹn.
Có thể các bạn đọc nhiều trinh thám sẽ cảm thấy bộ này rất thường nhưng đối với mình đây vẫn là một bộ vẫn đáng để sở hữu. Dù gì trinh thám Việt cũng từng có một thời kỳ nở rộ, cũng có một nhân vật thám tử để ủng hộ.
|
0 Comments:
Đăng nhận xét